NIỆM PHẬT CỨU MẸ

Thiền sư Tông Trách sống vào đời Tống, người Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, từ nhỏ đã sớm mồ côi cha. Mẹ thầy là Trần thị liền đưa thầy về nương náu với người cậu, nuôi dưỡng lớn khôn. Thuở thiếu thời thầy thông suốt sách Nho, đọc hiểu khắp sách vở thế gian.

Năm lên 29 tuổi, thầy nhận ra được sự vô thường của kiếp người, liền lập chí nghiên cứu và thực hành Phật pháp. Từ đó tìm đến thiền sư Viên Thông Pháp Tú ở chùa Trường Lô thuộc Trân Châu xin xuất gia tu học, tham cứu thông suốt nghĩa lý huyền diệu, thấu rõ tông yếu.

Sau đó, thầy nghĩ đến ân sâu nuôi dưỡng dạy dỗ của mẹ, muốn tìm cách báo đáp, liền đón mẹ về cùng ở trong chùa, sửa dọn một căn phòng để bà ở về phía đông phương trượng, sớm chiều đều sang hầu hạ phụng dưỡng. Ngoài việc lo cung phụng vật chất đầy đủ ra, thầy còn khẩn thiết khuyên nhủ, hướng dẫn mẹ chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sinh về Tây phương Tịnh độ. Mẹ thầy tin nhận lời thầy, hết lòng tu tập theo pháp môn Tịnh độ.

Bảy năm sau, mẹ thầy an nhiên vãng sinh trong tiếng niệm Phật. Thiền sư còn có trước tác “Khuyến hiếu văn” lưu truyền hậu thế. Toàn bộ bài văn có 120 thiên; 100 thiên đầu nói rõ cách phụng dưỡng cha mẹ bằng vật chất; 20 thiên sau hướng dẫn việc nên khuyên cha mẹ thực hành pháp môn Tịnh độ, cầu được vãng sinh Tây phương Cực Lạc. Cách báo hiếu trọn vẹn như ngài dạy trong văn này chính là ý nghĩa báo hiếu mà tất cả những người con Phật đều phải noi theo.

(trích Tịnh độ thánh hiền lục)

Quan Âm gốm tử sa
Nguồn: hoavouu

.
.
.
.