Trẻ Nhỏ Vào Thời Cổ Được Giáo Dục Rất Nghiêm Ngặt

Tiêu chuẩn của “thiện” là gì? Là Thập Thiện Nghiệp Đạo. Hiện tại, chúng ta học tập, phải nên gộp cả Đệ Tử Quy và Cảm Ứng Thiên vào đó. Vì sao? Vì lẽ nào chúng ta học Thập Thiện Nghiệp Đạo chẳng tốt đẹp? Nói thật ra, vào thời cổ, không cần nói quá xa, người sống vào đầu thời Dân Quốc, tức thế hệ trước chúng tôi, như thầy Lý, cụ Hạ Liên Cư, họ thuộc thế hệ trước, đã thực hiện đúng tiêu chuẩn “thiện nam tử, thiện nữ nhân”. Vì sao họ làm được?

Họ được hưởng thụ sự giáo dục tốt đẹp từ gia đình. Người sống vào đầu thời Dân Quốc, gia đình vẫn còn, gia học (sự giáo học trong gia đình hoặc trong gia tộc) còn hưng thịnh. Những người có học cũng chẳng học từ đại học nào như hiện thời, đều là do học trong các tư thục mà thành tựu rồi sau đấy đi thi. Thầy Lý còn chưa bao giờ đến trường, thế hệ trước thầy Lý, tức thân phụ của thầy còn chưa hề đến trường, đời Thanh không có trường học; khi đó, không có trường học, mà toàn là tư thục, là gia học.

Dạy dỗ trong gia học rất nghiêm, thầy nghiêm khắc mới có trò giỏi! Thầy Lý học rất khổ sở, chúng ta có nằm mộng cũng chẳng ngờ tới! Cụ kể cho biết: Bị phạt quỳ, chẳng phải quỳ trên đất, mà quỳ trên đống gạch, khổ cực lắm! Lão nhân gia dạy chúng tôi học, chỉ bảo chúng tôi, bất luận là Phật học hay Nho học, dẫn chứng kinh điển cứ thuận miệng đọc ra, chẳng cần phải tra cứu tài liệu, chúng tôi thấy vậy rất bội phục.

Cụ bảo tôi: “Các anh có biết do đâu mà được vậy hay chăng?” “Con chẳng biết?” “Do quỳ trên gạch đấy. Các anh chưa hề quỳ trên gạch, cho nên chẳng được vậy!” Do đó, Trung Quốc vào thời cổ, trẻ nhỏ đúng là khổ sở, được giáo dục rất nghiêm ngặt, chẳng giống như Tây Phương. Người Tây Phương quan niệm: Thuở nhỏ là thiên đường, cuộc sống của nhi đồng là thiên đường, sung sướng, chẳng bị trói buộc gì! Trẻ nhỏ Trung Quốc khổ sở, mười một, mười hai tuổi đi ra ngoài, [giữ gìn oai nghi] giống như một người đã trưởng thành thu nhỏ, quy củ, quan niệm khác nhau!

Thuở thơ ấu, phải hoàn thành những thứ cần phải học trong một đời. Sau khi đỗ đạt, theo đuổi bất cứ nghề nghiệp gì, tuổi thanh xuân cống hiến xã hội, tạo phước cho gia đình, vì gia đình tạo phước. Cả đời người ấy có mục tiêu, ta sống vì lẽ gì? Ta vì gia đình mà sống. Suốt đời nghĩ tưởng cho gia đình, làm cho tổ tông được vinh diệu, gia tộc được vẻ vang. Vì vậy, người ấy có chỗ để nương dựa, tâm bèn định. Dẫu suốt đời sống ở nơi xa xôi, đến cuối cùng lá rụng về cội, lúc tuổi già về hưu, nhất định trở về quê hương, vì sao? Dưỡng lão tại quê nhà. Vì vậy, đời người sung sướng nhất, hạnh phúc nhất. Nói đến lúc hưởng thụ nhất sẽ là khi nào?

Tuổi già! Tuổi già hưởng lạc. Thuở nhỏ vun bồi căn cội cho sâu chắc, vững bền, vun bồi rất nhọc nhằn, “căn cội” ấy chính là luân lý, đạo đức, giáo dục nhân quả. Vì vậy, với nền giáo dục ấy, ai nấy đều là người tốt, mọi chuyện đều tốt lành, xã hội an định. Khi trẻ khỏe, vì xã hội, vì quốc gia, vì gia đình tạo phước, lúc tuổi già hưởng phước. Điều này khác với ngoại quốc, ngoại quốc đến tuổi xế chiều rất đáng thương, đối với Trung Quốc thì tuổi già là lúc hạnh phúc nhất, hưởng phước từ sáu mươi tuổi trở đi. Trước kia làm quan, làm quan đến bảy mươi tuổi bèn về hưu. Quan lại đến khi bảy mươi tuổi bèn cáo lão hồi hương, trở về nhà dưỡng lão, hưởng phước.

Nguồn: Hoàng hóa xã

.
.
.
.